Blog đang nâng cấp, báo lỗi tại đây!

Review - nhật ký trong trại - P13 - anh G đi xử


Đến hẹn lại lên - update như đã hứa 🤪

Tiếp theo P12 - Có 3 con chào mào non chưa mở mắt, thế mà chỉ chưa đầy 30 phút ai cũng vào xí phần. Gần chục người vào bảo để cho 1 con khi lớn nhé. Ai mình cũng gật đầu nhưng cũng xác định được 3 người để mình cho, để còn lấy quan hệ.
Đầu tiên là nghĩ đến việc làm lồng. Mình xin được một cái vỏ bình nước 20 lít, cắt bỏ phần đầu với đít ra để làm, bảo ông anh G mượn bếp được 2 con dao chặt xương to, xuống vườn chặt tre rồi chẻ ra thành mấy bó, mang vào cho mình. Mình ngồi chẻ ra thành từng thanh mỏng, sau đó dùng dây đan nó lại giống như cái tre để cuộn gimbap nhưng có khe hở lớn hơn, sau đó quấn nó tròn lại với 2 đầu là 2 phần vừa cưa ra của bình nước. Làm xong thiết kế thêm cái cửa là thành cái lồng chim trông cũng tàm tạm, nếu xét về việc tự làm ở trong tạm giam. Ấy vậy mà hì hục cả ngày trời thế mà cuối cùng ông anh G xuống bếp lại moi lên được cả cái lồng sắt cũ. Kể ra moi ra được sớm đỡ mất công làm. Đã thế đang ngồi chẻ tre thì ông trung đội phó đi vào, ổng thò mồm vào kêu làm gì đấy, nhẹ tay thôi phá trại đấy à. May mà dấu kịp con dao rồi lại hứa lèo cho ổng 1 con chim ổng mới đi..
Mình nhờ mua được 1 gói cám chim. Khá ổn để nuôi, đây là đợt thứ 3 mình nuôi chào mào rồi. Lần đầu là 1 con lớn, mang từ ngoài vào. Lần thứ 2 là một con mới tập bay, đêm bay vào lồng khỉ của một ông tử hình, chả hiểu ông ấy làm cách nào và tròng được dây vào người nó kéo vào buồng, hôm sau ông ấy mang cho. Đợt ấy nuôi nhưng cái lồng đểu nên suýt bay mất, nên mang ra ngoài trung đội cho luôn ông trung đội trưởng.
Cả ngày bây giờ là cứ lúc nào mấy con chim nó kêu thì lại cho nó vài viên cám trộn với một chút nước. Được cái mấy con chim này nó cũng khôn không như mấy con chim sẻ, bọn chim sẻ nó cứ ỉa thẳng vào tổ, để con mẹ phải dọn mà lắm lúc có dọn đâu. Còn bọn này lúc nào ỉa thì hếch mông ra ngoài, nhưng lắm lúc lỗi kỹ thuật thì mình sẽ đi dọn... Lắm hôm 2 - 3 giờ sáng. Nghe nó kêu là lại biết đói, lại dậy đút vào mồm chúng nó mấy miếng cám là lại ngủ như chết.
1 tuần, chúng nó bắt đầu mọc lông, 2 tuần là mấy con bắt đầu chạy lon ton. Hơn 1 tháng thì phải tống cả 3 vào 2 cái lồng, bởi chả hiểu sao cứ 3 con ở cạnh nhau là lại đánh nhau. Cứ để 3 con là chúng nó lại rúc vào nhau, nhưng được 1 tí thì con này lại mổ vào đuôi con kia, thế rồi qua lại vài cái là lại đánh nhau chí chóe. Có hôm ngồi uống cafe, thấy buồn nên cho mỗi con 1 - 2 giọt. Đêm hôm ấy, con nào mắt cũng lừ đừ như nghiện 🥺
Mình mang đi cho 2 con trước, con còn lại là con khỏe nhất, máu chiến nhất và đáng yêu nhất. Chim nhưng ko biết bay, chỉ chạy lon ton như con chó con. Lúc nào cứ ko có người ở bên là gào mồm lên kêu, cứ quấn lấy mình, quanh quẩn quanh chân. Đồ ăn, hoa quả, nước thì mình cứ vứt vào lồng, đói là cu cậu chui vào lồng ăn, xong là chạy đi chơi. Mấy ông cán bộ nghĩa vụ thích lắm, lúc nào cũng mượn xong để lên vai đi vài vòng, qua các buồng mọi người lại thò tay ra vuốt vuốt vài cái. Cứ thả xuống đất ở đầu khu là lại chạy tọt về buồng với mình. Tối đến, cứ đóng cửa ăn cơm là cu cậu lại trèo lên nóc cái lồng ngủ, đúng 6 giờ sáng là dậy, nhảy lên chỗ mình nằm rồi trèo lên bụng, lên lưng mình nghịch. Chưa bao giờ thấy một con chim nó đáng yêu như vậy mọi người ạ.
Đợt ấy, vụ án của ông anh G chốt lại xong. Mọi thứ lại được sắp xếp để không xảy ra việc phải trả lại hồ sơ để điều tra lại nữa, vì như vậy ai cũng mệt mỏi. Ông điều tra của anh đi vào hỏi rằng có muốn đổi gì nữa ko, anh bảo thôi, ra xử cho nhanh. Thế là, hồ sơ chuyển sang Viện Kiểm sát để ra cáo trạng, và rất nhanh, vụ án được đưa ra xét xử. 
Thường trước ngày phiên tòa diễn ra tầm 2 tuần, sẽ có giấy thông báo của tòa gửi đến cho phạm nhân. Đêm hôm trước khi xử, mình với anh chuẩn bị nhiều thứ. Anh hỏi mình có gửi gắm gì ra ngoài ko? Mình bảo ko. Vì nhiều lúc thông tin gửi ra ko đầy đủ, mập mờ chỉ khiến mọi người càng lo lắng. Và mình nghĩ rằng nếu có chút thông tin gửi được ra ngoài, thì nên để những người cần hơn là mình, vì hiện tại mình đang rất ổn.
Thỏ muốn nhà chuyển thêm tiền vào để lo liệu 1 số việc, 2 anh em ngồi viết tạm vài dòng thư để chuyển ra ngoài, xong rồi nhét vào trong lõi của một điếu thuốc lá sau đó cẩn thận cuộn lại,.. Hôm sau, 6 giờ sáng, mấy ông liền vào mở cửa dẫn anh đi xử.
Vụ xử kéo dài đến tầm 4 giờ chiều, anh về kịp lúc đi chia cơm cho các buồng. 12 năm, còn bố anh 20 năm, vì phần án của bố anh liên quan đến 1 phần bên quân đội, thế là họ tách làm 2 để xử, bên dân sự xử 13 năm - bên quân đội xử 7 năm. Tổng cộng là 20 - có lẽ đây là sự thiệt thòi khá lớn. Ví dụ như bình thường bạn gây án, gây thiệt hại 1 tỷ, nếu theo khung hình phạt sẽ là khoản 4 ( từ 500tr đổ lên là khoản 4 ) thì mức án sẽ là 12-20 đến chung thân, và bình thường ra tòa người ta sẽ xử từ 12 - 13 năm. Nhưng, nếu như người ta bóc tách làm 2 vụ án như vụ này, mỗi vụ 500tr, thì bạn sẽ bị truy tố 2 lần, đều khoản 4, và tổng cộng 2 cái này sẽ ko dưới 20 năm. Khá buồn, vì bố anh cũng đã có tuổi lại có tiền sử gút. Chỉ đi lại thôi cũng ko vững rồi.
Quả thật, 12 năm mà tạm giam bước sang năm thứ 6 là 1 thiệt thòi lớn. Bình thường nếu xử án nhanh để đi cải tạo, thì chỉ cần đi đủ 4 năm và có 2 năm cải tạo khá trở lên là anh đã được giảm án rồi, và nếu như mọi việc ổn, chỉ cần đi tầm hơn 8 năm là có thể giảm hết án mà về. Ấy vậy mà tạm giam 6 năm, đi lên trại cải tạo thì đến năm thứ 8 mới đủ điều kiện để giảm, và đến tầm năm thứ 10 mới về được. Đấy là tự dưng mất toi 2 năm vô ích.
Nhưng dù sao với anh, nó cũng trút được 1 phần gánh nặng. Vì đơn giản, xử xong có án rồi còn biết chắc được thời điểm sẽ về, không còn cái chuyện cứ kéo dài mãi như cái thời gian tạm giam.
Đi xử án, được gặp lại gia đình, gặp vợ và lần đầu tiên gặp được đứa con trai. Ngày ấy, cả 2 ở với nhau, chị có chửa, đưa về nhà xin phép và đang chuẩn bị làm đám cưới thì anh bị bắt vào đây. Con anh, anh chỉ được biết qua những bức ảnh, chưa bao giờ anh được bế tận tay như lúc này.
Thôi đi được nửa quãng đường rồi. Cố gắng thôi. Phấn đấu cải tạo tốt cho giảm án nhiều. Thời gian chạy tự giác ở ngoài, cũng đã có bằng khen, nó là điểm cộng khá lớn cho việc cải tạo sau này. Thực ra, lúc đầu anh xin mình sang đây là cũng muốn tìm cách đưa mình ra ngoài để kiếm lấy cái giấy khen. Nhưng tiếc thay lúc ấy chỉ đạo trên cục xuống khá gắt, bên trại không tự ý quyết định được. Sau một vài tháng cố gắng nhưng đến giám thị cũng phải lắc đầu.
Vì đợt này, trại bắt đầu có vẻ lại dễ chịu hơn nên 2 anh em lại liều hơn. Anh nhét cho mình cái ổ điện để mình ròng điện từ cái bóng đèn xuống. Rồi tìm cách mang trộm một cái ấm siêu tốc vào. Thế là đỡ phải đun bếp cho nóng, nhưng đồ ăn đun bằng ấm siêu tốc không ngon, mùi ko thơm bằng việc đun theo cách cổ điển được
Lại một mùa hè nữa đến, anh G hóng mãi việc hồ sơ cải tạo của anh chuyển về trại. Để anh chính thức được tính cải tạo của trại. Mình vẫn nhớ, hôm ấy, một ông thiếu tá - phó giám thị của trại mà mình chưa được gặp bao giờ đi vào khu, dừng lại trước buồng mình rồi hỏi 2 anh em có nóng ko? Xong rồi bảo cho cái quạt, mang vào lắp cho đỡ nóng. Thế nhưng 2 anh em đều từ chối, anh G nói nhỏ vào tai, bà ở bên khu kia xin gặp giám thị, bảo sẽ ủng hộ trại 500tr chỉ xin lắp một cái quạt. Nhưng bị từ chối.
Đợt này, Thỏ chuyển về khu đối diện buồng mình ở. Mọi chuyện đều được sắp xếp bởi một bà chị có gia thế cực khủng. Bà bảo với anh G rằng, để nó ở đây với chị. Rảnh cứ lượn qua tâm sự với nhau. Về đây, mình tự dưng thành kênh liên lạc bất đắc dĩ, cứ bữa cơm trưa, chiều, khi cán bộ đi ra ngoài là mình lại leo lên song sắt để gọi cho Thỏ, từ hỏi han tình hình, chúc ăn cơm ngon đến việc gửi cho nhau cơ số các tình thương mến thương. Được cái, giọng mình ở đây nhiều người nghe quen rồi, nên khi mình gọi là tất cả các khu đều im phăng phắc để nhường sóng. Lâu lâu, nghe mấy câu sến sến bựa bựa cả lũ lại bò ra cười.
Do 2 khu ở gần nhau, anh G nghĩ ra trò gửi thư, tất nhiên là ko thể qua tự giác bên đó được. Vì, tự giác bên đó ko thể 1 mình vào khu mà ko có cán bộ đi theo được. Và nơi trung chuyển chính là căn tin, đây là nơi có thể dùng để gửi thư được, bởi vì anh G hay phụ giúp đóng hàng cho căn tin những ngày trả chợ. Mỗi lần gửi thư anh lại lấy sổ của Thỏ, đăng ký 1 gói băng vệ sinh. Rồi anh sẽ lừa lừa mang bịch BVS đó mang về phòng. Tối đến anh sẽ viết thư bằng giấy vệ sinh, xong gấp gọn lại rồi 2 anh em tìm cách bóc bịch BVS này ra sao cho không bị rách tem, sau đó sẽ nhét bức thư vào trong một chiếc BVS bất kỳ rồi dán lại. Hôm sau khi đóng hàng, anh sẽ tìm cách bỏ bịch BVS này vào trong túi hàng của Thỏ. Lúc nào gửi đồ gì lớn hơn thì bọn mình chuyển sang hộp trà chanh, lớn hơn nữa thì là hộp bánh Choco-Pie. 
Có lẽ mọi thứ vẫn cứ ổn. Cho đến một hôm, chúng mình nhận được tin. Hiện tại theo quy chế mới của Cục và cách vận hành của trại, anh G bắt buộc phải đi trại, và bên cục sẽ tác động để anh quay lại trại làm việc. Và đùng cái, hôm sau anh chuyển sang buồng chờ đi trại.
Đầu giờ chiều hôm ấy, anh hớt hải chạy về buồng kêu mình thu đồ chia làm 2 người, những đồ quan trọng anh nhét hết cho mình. Cả cái lồng chim mình cũng ôm đi. Mình chuyển sang buồng cách đó vài số. Buồng ấy có 2 người, 1 ông tên S. phó tổng giám đốc 1 tập đoàn lớn, và L. hơn mình vài tuổi, cùng vụ anh Đ ngày trước ở với mình.
Bạn phải hiểu, mình đang ở bên kia sướng rồi, giờ quay về đây nó sẽ lại giống như ban đầu. Không điện, không đồ vi phạm,... Mọi thứ khá tồi tệ nhưng dù sao cũng đã xác định từ lâu rồi - đâu chả là chiến trường - thế nên vẫn chịu được.
Nói qua một chút về 2 bạn cùng buồng mới. Ông S tuổi hơn 5 chục, ngày xưa học ở ĐH Hàng Hải, sau nhờ quen biết của gia đình nên xin vào cục làm. Rồi dần dần leo lên đến chức PTGĐ của 1 tập đoàn lớn. Ông bị bắt sau một vụ nhập những lô thiết bị cũ nhưng theo giá gần như mới để ăn chia tiền chênh lệch. Là người HP nhưng ở trong nam lâu nên giọng ông lơ lớ Sài Gòn.
Còn cậu kia tên L nhà ở Củ Chi. Là một trong những thành phần cộm cán chuyên ship hàng bên Us bằng CC chùa. Số lượng hàng nhiều đến nỗi phải thuê 1 người đứng ra lập công ty xuất nhập khẩu để mang hàng về. Nghe đồn cậu kiếm được rất nhiều tiền. Cậu chung tiền với bà cô mua 1 căn biệt thự hơn 10 tỷ và có 1 con porches 911 đang nằm ngoài hải quan chưa kịp làm thủ tục để lăn bánh. Chả biết cậu được ai xui nhưng sau đó đã đẩy được vụ mua căn biệt thự sang là tiền của bà cô bỏ ra mua - thế là căn nhà ko bị kê biên tài sản ấy vậy mà sau này, nghe nói nó đã bị bà cô bán đi mất. Ông L này mình cũng nghe mấy anh em nói qua, rằng ở ngoài ăn chơi lắm. Bỏ 2k$ / 1 tháng để vô những phòng tập gym tập cùng mấy cô diễn viên, ca sĩ. Rồi thuê cả lái xe riêng cơ. Mỗi tội mặt ko duyệt cho được. Từ bé được mẹ cho dùng kem trộn, đến khi vào đây chả có gì thì mặt mọc đầy mụn với mủ. Trông là ko nuốt được.
Sang bên này được cái là ăn uống cũng khá. Ai cũng có sổ, ông S còn có sổ thuốc, mà nhiều lúc hết tiền thì mang sổ thuốc ra đi chợ cũng được. Nhà ông S với ông L lâu lâu tìm cách gửi thêm đồ ăn ở ngoài vào thế nên cuộc sống cũng dư dả.
Thế nhưng lạ thay, được vài hôm thì buồng nhận thêm người mới, một ông anh tên H* mà mới chuyển vào phát mình nhận ra ngay là có vấn đề. Vừa vào cửa, nhìn ông anh đi vào mình khá giật mình, vì đơn giản cả 3 người ở buồng này đã là thuộc diện sắp kết thúc điều tra đưa ra xét xử rồi. Ấy vậy, lý do gì khi ông anh ấy lại vào đây? Mình thấy ông anh L chạy thẳng vào nói nhỏ với ông chú S. "Có biến".
Không khí buồng tối hôm ấy hơi nặng nề, để xua tan bầu không khí ấy, mình quyết định lên tiếng ngồi kể chuyện về mấy bà chị ngày xưa ở đây cho mọi người nghe, khi cậu chuyện đang đến đà gay cấn, bỗng ông anh H* bật dậy rồi hỏi kỹ tên thật của một bà chị, xong rồi tỏ ra trầm ngâm.
Hôm sau, ông anh H* và ông chú S* cùng nhau đi cung tới tận trưa mới về. Chiều hôm ấy, ông anh L chuyển buồng. Vội vàng thu gọn đồ đạc xách bẽo bước ra ngoài cửa, anh vỗ vai nói thầm vào tai mình "dù như thế nào, cẩn thận là vẫn hơn, nhưng chắc là vào đây vì ông S".
Tối hôm ấy, mình lại ngồi trầm ngâm, buồn thật đấy, ở với 2 ông già chả có gì vui, mà cái kiểu này còn dễ đau đầu lắm, thế nên, mình quyết định sẽ lật bài ngửa.
Hôm sau, mình quyết định chuyển con chim chào mào ra ngoài, quả thật mình và nó rất gắn bó với nhau, nhưng sẽ chẳng thể để nó ở đây mãi được. Một phần vì giờ nhờ người mua được cám rất khó, một phần vì ông anh G đi rồi, nuôi nó sẽ hay bị soi. Mà con chim này đẻ ra chắc đúng giờ con chó hay sao ấy, nó chạy lon ton khắp nơi, lúc nào mình đi nhanh quá, cu cậu ở ngoài lồng, ko thấy người là lại kêu chả khác gì con chó nó rên rỉ, rồi cứ chạy lon ton khắp nơi kiếm được người mới thôi. Lắm lúc, cứ quẩn quẩn quanh chân, lùi vào là dẵm đúng người luôn, được cái tinh thần mình cũng cảnh giác nên nhấc chân ra ngay, cu cậu kêu ré lên nhưng rồi vẫn cứ quấn lấy chân mình. Đưa cu cậu ra ngoài, buồn.

2 hôm sau, ông chú S đi cung, còn mình với ông anh H* ở buồng, mình quyết định chơi bài ngửa.

P14 - những ngày tháng tẻ nhạt

Bonus: ở trong trại, lắm lúc lại vẽ chuyện ăn uống mọi người ạ. Ăn thì đói, lại chả có gì ngon, ngày nào cũng vậy ngán vãi, mà thời gian nhiều nên đành ngồi bày vẽ. Đầu tiên là nước chấm, anh em mình thử pha đủ kiểu, dấm, ớt, tỏi rồi cả hành, pha đường, dấm theo đủ loại công thức giời ơi đất hỡi. Cả bữa cơm, có lẽ cái cầu kỳ nhất là bát nước chấm. Mình vẫn còn nhớ mỗi lần phát mều trại, lọc ra toàn mỡ, xong rồi cắt nhỏ ra từng miếng bé xíu. Ướp vào từ mắm, dấm, tỏi, ớt, bột canh mì tôm, cứ 5 - 10 phút lại xóc lên một lần. Ấy thế mà cũng ăn được 1 bữa.
Ở đây, cái món mà mình cảm thấy ăn ngon nhất là món mắm tép chưng hành, 17 k 1 lọ bé bé, mang về mùa đông chưng lên với hành thơm nức mũi. Trộn với cơm ăn đến 4 bát vẫn thòm thèm.
Đi cải tạo, đồ ăn vùng quê rẻ như bèo, ăn thịt, cá gà vịt suốt đâm ra cũng chả còn cái thú cầu kỳ quá trong những món ăn. Nhưng, anh em nó vẫn thích những bát nước chấm của mình pha....

#nhatkytrongtrai #p13

About the Author

Ngày hôm nay cho tôi buồn một lúc
Sau nhiều năm bươn trải kiếp con người
Cố gượng cười mà lòng có thảnh thơi
Thèm được khóc như cái thời nhỏ dại

Đăng nhận xét

Cookie Consent
We serve cookies on this site to analyze traffic, remember your preferences, and optimize your experience.
Oops!
It seems there is something wrong with your internet connection. Please connect to the internet and start browsing again.
Site is Blocked
Sorry! This site is not available in your country.