Blog đang nâng cấp, báo lỗi tại đây!

Review - nhật ký trong trại - P9 - chuyển buồng


Nhiều người nói rằng, mình nên cho thêm 1 số chi tiết hiện tại vào đầu bài viết, để cho đỡ buồn, chứ đọc bài thấy buồn quá. Thực sự chuyện thì có nhiều. Nhưng kể ra sợ nó lại thành một câu chuyện dài quá. Chỉ muốn sau này, nếu có time có thể sẽ viết ra cho nó nhẹ lòng.
Mọi người hay hỏi ra trại mình có gặp lại em nyc ko? 
Có chứ.

Mình ra trại, và lên HN kiếm việc. Đợt ấy, ốm nặng lắm, từ bé đến lớn chưa bao giờ ốm 1 trận như thế. Trong trại mình khỏe như 1 con trâu ấy, ốm vẫn đi làm, vẫn tập tạ, vẫn tắm nước lạnh ngoài giếng bất kể thời tiết mùa đông 7-8 độ. Thế mà, mình ốm 1 trận 3 ngày không ăn được gì. Mình bò xuống nhà vệ sinh rồi ngất luôn, lúc tỉnh lại, lại 1 mình bò lên giường nằm. Đợt ấy tụt 7kg.
Vừa ốm dậy, thì nhận được tin nhắn từ nyc, bé ấy bảo muốn lên HN mổ mắt, mình Google tìm hiểu rồi bảo cô ấy cứ lên, để mình đưa đi khám. Lúc ấy là hơn 1 năm rồi 2 đứa chưa gặp nhau, mình biết em ấy đang rất giận, thậm chí là ghét mình. Nhưng, vì chưa lên HN bao giờ, cũng như chả có bạn bè, cuối cùng em ấy phải nhờ đến mình.
Mọi người nghĩ nếu bây giờ quay lại thời điểm đó mình nên làm gì????

😂 tiếp tục truyện tù nhé

Khi được hỏi rằng trong trại, ngoài những lúc hát ra thì có bao giờ ầm ỹ nữa không. Mình liền trả lời ngay là có. Đó là lúc hô cấp cứu.
Khi một buồng nào đó hô cấp cứu. Đa phần các buồng sẽ cử người mồm to nhất ra cửa, thay phiên nhau hô, 1 buồng, 2 buồng, một khu rồi gần như cả trại. Ví dụ như tôi ở C2 sẽ hô: C2 cấp cứu thầy ơi - C2 cấp cứu cán bộ ơi. Ai ai cũng gào, cũng hô và đôi khi một vài thành phần quá khích còn tranh thủ đạp cửa ầm ầm. Có lẽ bình thường chỉ có lúc giao thừa mới có thể ầm được như thế. Và khi cán bộ đến. Mọi người vẫn có thể 🙄 hô thêm câu "cán bộ nghe rồi" rồi mới thôi.
Nhưng quả thật, y tế của trại khá kém. Chỉ mỗi ông trạm trưởng là còn có tay nghề. Cái bà y tá nghe nói chuyển ngạch từ giáo viên dậy cấp 1 sang làm, bà được mệnh danh là bệnh gì cũng cho thuốc giảm đau. Còn đi ngoài thì cloxit. 😁. Ở tù chúng tôi hay truyền tai nhau câu: " đau đầu uống cloxit, đau đis uống paradol". Ngoài 2 loại thuốc đó có thêm thuốc chống mề đay, thế nên tốt nhất dù có khó chịu như nào cũng tốt nhất là không nên trình bày quá nhiều. Mà hãy xin 1 trong 3 loại thuốc đó. Còn muốn xin những thuốc bôi ngoài da - có trangala và tomax thì phải đặt gạch trước vài ngày. Trong này không được tiếp xúc với ánh mặt trời, tắm xà bông không cẩn thận là có thể bị ghẻ.
Bệnh xá, là nơi để cho những phạm nhân bệnh nặng đến chữa trị, những bệnh nặng nhưng chưa cần thiết phải ra cấp cứu ngoài bệnh viện. Nguyên tắc là thế, còn bất nguyên tắc nó là do hơn nhau về quan hệ và xiền.
Tại sao lại thích ở bệnh xá. Vì đơn giản bệnh xá nó tiện nghi hơn, có giường, có quạt trần, trên trần có téc chứa nước. Và đặc biệt có 1 cái tủ sắt tháo được ngăn kéo. Và nó trở thành cái chảo để rang cơm khá ngon.

Hôm ấy, đang ngủ trưa thì hô cấp cứu tại bệnh xá. Rồi có tiếng trẻ con khóc. Vậy là lâu lắm rồi lại có một đứa trẻ được sinh ra ở đây, chúng mình hay nói đùa nhau rằng bé ấy sinh ra đã phải đi tù rồi. Theo luật, bé sẽ được ở bên mẹ 24 tháng rồi gửi về nhà... Mọi người ở xung quanh góp tiền mua đồ cho bé, từ quần áo, sữa, thuốc đến cả nhường từng suất nước sôi để bé tắm. Khi được vài tháng, đủ cứng cáp. Bé được cán bộ, tự giác bế đi khắp trại. 
Nhìn bé và nghĩ, khi bé đủ 18 tuổi mẹ mới chuẩn bị được về, không biết rằng sau này, bé sẽ ra sao????

Dưới chân buồng mình là 1 phạm nhân tên L, bị xử tử hình và đang bị cùm. Lão này cũng thuộc dạng khó tính vl ra. Trưa ông Đ bước từ sàn xuống đất hơi mạnh, lão cũng gọi lên cằn nhằn là để cho người khác ngủ chứ. Biết lão là tử hình nên anh em cũng nhường. Cho đến một hôm. Lão xin thuốc lào cán bộ, nhưng gặp ngay một ông mới bị kỷ luật từ trung đội chuyển vào. Mà các ông ngoài trung đội thì mệnh danh là khét có tiếng. Thường các cán bộ quản giáo cũng hay châm trước cho phạm nhân tử hình nhiều nên lão L hôm nay làm càn. Lão bảo không có thuốc lào thì lão nhịn, không ăn cơm... Mà ở trại này, không ăn cơm nó sẽ được diện vào mục phải báo cáo. Vì theo một số góc nhìn, nó là chống đối, theo góc khác, nó là 1 hành vi có liên quan đến tự tử. Vì thế, khi cán bộ dọa lập biên bản thì lão L cùn, lão cầm ngay cái bô chất thải hất thẳng về phía trước. Cán bộ quản giáo thì nhanh chân né kịp còn lão cảnh sát vũ trang ( nghĩa vụ ) thì làm một phát vào đầu ko trượt tí nào. Ông quản giáo bực quá liền bạt tai cho lão L 1 cái, và tất nhiên, cả khu láo loạn, đội tử hình bắt đầu làm loạn, đạp cửa, đạp tường đòi gặp giám thị vừa hô to "cán bộ giết người" rồi thì "thằng **** giết người rồi"..... Thực sự thì nếu gặp mình chắc cũng đạp cho vài cái 😁 nhưng mà mấy đội cán bộ thực sự cũng ngán. Một phần, để kỷ luật được phạm nhân tử hình, không phải chỉ có mỗi trại tạm giam xử lý mà còn phải qua cả viện kiểm sát, tòa án. Mà đội này tử hình rồi thì còn sợ cái gì nữa?!? 

Quay về buồng giam, bắt đầu vào hè, mùa hè đầu tiên trong trại.

Nhà giam không những kiên cố mà tường bê tông thì cứ gọi là dày. Đã nóng lại còn bí hơi. Mùa hè, bạn sẽ chỉ ngửi thấy mùi mồ hôi mà thôi. Nếu những ngày nóng nhất ngoài trời tầm 38-39 độ, thì trong buồng nhiệt độ lúc nào cũng cao hơn từ 2-3 độ. Đã thế, buồng mình lại ở tầng 2. Đêm đến hơi nóng từ bê tông trên nóc nhà nó phả xuống quả thật chả dễ chịu chút nào... 
Để bạn hiểu được cái nóng trong này như thế nào thì bạn có thể tưởng tượng. Một cái chăn bông, bọn mình giặt, xong mang ra ngoài lồng khỉ phơi. Chỉ có cái nóng hầm hập từ trên trần hắt xuống thôi. Qua đúng 1 ngày 1 đêm là khô cong. Cái trải nghiệm mùa hè ở đây nó giống như đi xông hơi vậy. Tưởng không phê mà phê không tưởng.
Thường đến tầm 2 giờ đêm, bọn mình mới bắt đầu cảm thấy ổn để ngủ. Vì lúc ấy, cái tường, cái mái nhà mới bắt đầu mát. Không quạt, buồng thì kín. Cách duy nhất để tìm lấy cảm giác mát mẻ là cái bể nước. Nhưng mùa hè mà, mấy khi cái bể nước còn nhiều để làm mát.
Vì thế, ở đây mọi người nghĩ ra vô số cách làm mát khác nhau. Mới tối thôi, nhiều phòng đã hắt đầy nước ra cửa, rồi lau phòng 1 lượt. Đêm ngủ thì nhúng màn xuống nước, nửa đêm dậy dội nước cho mát thì là chuyện khá bình thường... Cứ tối tối, mình lại ra cửa, thò tay ra ngoài rồi cầm quạt giấy quạt lấy quạt để, cái không khí ở ngoài nó lạnh đến tê người. Thế rồi, trước khi ngủ, 2 anh em cầm 2 góc chiếc chăn, quạt lên quạt xuống hi vọng nó đẩy không khí ở trong ra thay bằng chút không khí mát lạnh ở ngoài vào.
Mùa hè, ăn xong là chỉ có nằm 1 góc và thở, đi lại thôi cũng ngang như tắm. Nhiều phòng họ trần truồng luôn. Mặc quần áo lại tốn nước giặt. Cứ đóng cửa buồng là cởi truồng ra mà ăn cơm.

Mấy anh em nhà mình chơi trò, 11h đêm đi tập thể dục, tập xong đang vã mồ hôi như tắm thì ra bể dội nước, xong để nguyên nước rồi quạt, nước bay hơi, người nổi da gà, thấy lành lạnh rồi thì đi ngủ. Ấy vậy mà nằm được 15 phút thiu thiu ngủ, tỉnh dậy thì cái hõm chỗ ngực đã thành 1 vũng nước rồi. Mùa này, ai bị rôm thì mọc đầy người là chuyện bình thường. Đỏ chót cả người. Thành từng mảng, từng mảng rồi bong ra.
Cái cảm giác mở cửa đầu giờ chiều nó giống như địa ngục bước sang thiên đường. Một bên là lửa, 1 bên là nước vậy. Chỉ cần bước chân ra cửa, sẽ cảm nhận được cái không khí trong lành, cái cơn gió nhè nhẹ mát lạnh... Đến mùa hè, lại mong mùa đông đến sớm.

"Nắng tốt dưa, mưa tốt tù"

Mưa, trong mùa hè, đối với những người anh em tạm giam đó là thiên đường. Vì chả bao giờ phải ra ngoài trời mưa, thì, có mưa hết 3 tháng hè cũng được. Không khí dịu mát, cuộc sống lại thoải mái hơn 1 chút, mưa, nên đi cung cũng ít hơn, mọi người tụ tập nói chuyện nhiều hơn.
Lâu lâu, lại trèo lên song sắt nhìn qua những khe hở nhỏ ra phía đồng ruộng xa xăm, nhìn xuống con đường mòn phía dưới trại, lâu lâu, lại có 1 cô bé đi nhanh qua. Cả lũ lại nhao nhao lên bình phẩm, ngon thế, ngọt thế, mông cong thế.... Những cô gái từ khu khác được dẫn ra buồng hỏi cung thường cố đi chậm, nhìn ngó xung quanh, sẽ có vô số những ánh mắt dõi theo, những tiếng gọi, những tiếng trêu đùa... Trong này, có những người cả năm cũng chẳng thấy một cô gái nào.😆.

Mùa hè năm ấy, có lẽ nó cứ lững thững trôi qua êm đềm. Cho đến một ngày, ông tự giác ghé vào tai mình nói nhỏ. Lão muốn xin mình về ở cùng lão. Mình hơi chần chừ, một vì mình đã quen ở đây, chơi với 2 anh em ở buồng cũng khá thân. Hai là cả 2 vẫn đang không có sổ lưu ký.

Ấy vậy mà 2 tuần sau mình lại chuyển về buồng mới.

Vâng, lại quay về khu cũ, về cùng mặt với buồng đầu tiên lúc mình mới vào, chỉ khác rằng mình lần này ở buồng gần như đầu tiên, và vui thay, bên cạnh là 1 phòng nữ.
Về đây, đầu tiên là sáng gần như phải ở một mình. Bởi ông anh ở phòng là tự giác, nên phải chạy ra ngoài làm trừ lúc trưa ăn cơm và tối, vì thế, nên mình phải bắt đầu làm quen với cuộc sống hơi cô đơn một tí.
Buồng này được cái khá sạch sẽ và có điện, hiện tại 1 cu em ở cùng buồng đã chuyển đi xử được gần 2 tuần, nên ông anh đang ở 1 mình. Đầu tiên vào, đập vào mắt mình là một lồng chim chào mào. Ông quản giáo mở cửa cho mình vào và chỉ vào con chim: "nhớ cho nó ăn uống đầy đủ nhé".
Dọn dẹp sắp xếp đồ đạc thì phát hiện ra hẳn 1 túi to toàn sách. Vậy là có cái để giết thời gian rồi, sắp xếp xong đồ là mình bắt đầu ngồi sắp xếp lại các đầu sách. Rồi mang những quyển hay nhất vào buồng để đọc... Trưa hôm ấy, đồ ăn căn tin trả về buồng, anh có cầm theo túi thịt gửi sang phòng cũ của mình. Để cho chúng nó có cái ăn, anh bảo mình thế. Mình cũng gật gù đăng ký thêm gói cá gửi sang bên đó.
Có một điều mình không ngờ, đó là buồng này trưa không bị đóng cửa trong, tức là trưa mình ăn cơm ngoài lồng khỉ luôn, sau đó, ăn xong là lau sạch sẽ rồi 2 anh em ra nằm ngủ một cách ngon lành. Từ bên kia sang đây thôi, nó đã là một cuộc sống giống như thiên đường rồi.
Nào, tìm hiểu một chút về ông anh cùng phòng mình nhé. Ông anh tên G, ông anh thực ra bị tạm giam lâu lắm rồi, từ năm 2008 cơ, đến lúc này là đã bắt đầu bước sang năm thứ 5 rồi, điều tra, đưa sang tòa rồi có nhiều tình tiết phức tạp, lại được trả lại, rồi lại điều tra lại.... Cái ông điều tra phụ trách vụ của anh ngày mới ra trường được phân công làm, giờ đã lên lon 2 lần mà vẫn chưa xong.
Ông anh G ngày xưa thi vào một trường trung cấp Quân đội, và năm đó, họ có mở một lớp học đặc biệt để thí nghiệm. Anh cũng là 1 trong những người tham gia. Được tiêm một loại thuốc tăng cường hấp thụ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn nhưng chả hiểu sao chỗ tiêm cứ càng ngày càng loét ra. Một vết sẹo to bằng quả bóng bàn bên bắp tay là kết quả của lần phải đi khoét thịt.
Anh khỏe, thật sự khỏe, người rắn chắc và cơ bắp - nhìn anh nên sau này mình mới có động lực đi tập tạ - nhưng tập mãi bụng vẫn cứ to ra còn ngực ngày càng tóp lại.
Anh học 2 năm thì bỏ dở, lại lang thang. Thế rồi, bố anh và 1 người bạn cùng thành lập một công ty môi giới xuất khẩu lao động. Kéo anh về làm giám đốc cái công ty ấy. Trớ trêu thay, dù bạn có thu tiền rồi đưa được người ta ra nước ngoài, nhưng trên mặt pháp luật. Công ty này chẳng có đủ thẩm quyền để đưa người đi xuất khẩu lao động. Và thế là việc thu tiền đương nhiên là lừa đảo, 2 bố con anh dắt nhau vào trại. Còn lão kia, sau khi vào tạm giam được 1 thời gian thì được tại ngoại do có người bảo lãnh. Sau đó làm giả một hồ sơ tâm thần nhưng bị bên công an phát hiện. Biết không trót lọt nên cuối cùng đã trốn mất tăm... Điều đó làm quá trình điều tra cứ thế càng bị trì hoãn thêm.
Ở bên phòng bên này, đương nhiên sẽ hơn hẳn tất cả những phòng còn lại về mọi mặt. Đồ ở các phòng khác là vi phạm, thì ở đây, có đầy. Nào là bút này, dao cạo này, bật lửa này, 2 - 3 miếng sắt mài thành con dao cũng khá sắc này, thuốc lá, thuốc lào. Nói chung là không thiếu gì cả. Tối hôm ấy, anh nhận được 1 bức thư với 5 bóng thuốc lào. Ở trong trại này, thuốc lào thường được bán như sau. 1 bóng thuốc lào mặc định sẽ là 330k, đổi bằng 3 thùng mì tôm hảo hảo ở trong sổ. Nhưng anh G không bán. Anh chia 1 nửa non để hút, 1 phần anh chia cho bên phạm nhân tử hình, 1 phần còn lại sẽ dùng để tạo mối quan hệ với các buồng. Cán bộ biết - và luôn dặn anh ko được bán, thế nên, khi anh dùng sắp hết, cán bộ hay mua coi như tặng cho anh.
Mình biết, thuốc anh được tuồn vào đa phần là ở bên cải tạo. Ở trại, khu cải tạo nằm ở bên phải khu tạm giam. Ở đây, 1 phần các phạm nhân phục vụ chủ yếu cho sinh hoạt của toàn bộ tự cán bộ đến phạm nhân trong trại. Từ dọn dẹp đến nấu ăn. Và có 1 phần đặc biệt - được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt ở trại. Và họ cũng có 1 số đặc quyền nhất định. Và ông anh G quen nhiều người ngoài đó nên hay được gửi đồ vào.
Cái trạm trung chuyển đồ là một bà tự giác nữ.
Thường mỗi khu sẽ có một tự giác, phụ trách các việc vặt trong khu. Ở các khu bình thường sẽ là nam giới. Nhưng riêng ở khu có tử hình nữ phải chọn nữ giới. Và để tránh phức tạp, tự giác sẽ ở và sinh hoạt luôn ở 1 phòng trong 1 khu ở tạm giam. Nhưng nữ vì có 1 người, nên bà ấy sẽ ở ngoài bên khu cải tạo, và hằng ngày đi vào trong khu tạm giam. Và đồ vi phạm tuồn vào, thường bà ấy sẽ nhét vào trong cái đít của cái phích nước bà sách vào.
Tuy rằng ở đây nó rất nghiêm nhưng vẫn không tránh được những khoảng tối, vẫn có những giao dịch ngầm diễn ra, vẫn có những cách để kiếm tiền - vấn đề này mình xin phép được không đề cập đến....
Mình ở bên này, hằng ngày thì ra ngoài cửa ngồi đọc sách, đêm đến thỉ 2 anh em ngồi tâm sự với nhau. Sang đây, mình biết được vô số điều mới mẻ mà có lẽ bình thường mình không bao giờ có thể nắm bắt được. Ở đây một thời gian, mình có thể phác thảo được khá rõ cái bức tranh về những con người trong cái khu mình đang ở, từ tên, tuổi, tội danh, tâm lý như thế nào...v...v
Và mình cũng hiểu rằng, ai cũng đang có những công việc của họ. Và ở đây, thực sự đang diễn ra những cuộc chiến vô hình, những sự cân não đến nghẹt thở, mà có những lúc, đó là sự trả giá rất đắt. Như ông anh T đã từng nói với mình rằng. Tuy ở đây, nhìn nó yên bình đến lạ thường, nhưng qua vài lần đi tù, thì ông anh vẫn đánh giá nơi này là một nơi cực kỳ khủng khiếp, vì những thứ nó mang lại........ Và, mãi đến bây giờ, mình mới bắt đầu dần dần ngộ ra điều đó.

....

P10 - Khám phá

#nhatkytrongtrai #p9

About the Author

Ngày hôm nay cho tôi buồn một lúc
Sau nhiều năm bươn trải kiếp con người
Cố gượng cười mà lòng có thảnh thơi
Thèm được khóc như cái thời nhỏ dại

Đăng nhận xét

Cookie Consent
We serve cookies on this site to analyze traffic, remember your preferences, and optimize your experience.
Oops!
It seems there is something wrong with your internet connection. Please connect to the internet and start browsing again.
Site is Blocked
Sorry! This site is not available in your country.